QUỐC CHÚA  NGUYỄN PHÚC CHU- MỘT VỊ CHÚA HIỀN TÀI                                       

        Trong số chín đời chúa Nguyễn, chúa Nguyễn Phúc Chu là một trong những vị chúa nhiều tài ba . Ông sinh năm Ất Mão ( 1675); là con trưởng của chúa Nghĩa Nguyễn Phúc Thái, mẹ họ Tống, người ở Qúy Huyện, tỉnh Thanh Hóa.  Sách Đại Nam Thực lục tiền biên ghi lại rằng : Mẹ của Quốc chúa trước đây”được dâng vào hậu triều, sau đó được tuyển làm cung tần. Đến khi có thai, ở nơi phương Tây Nam trên trời mở ra một lỗ, có mây sắc vây bọc xung quanh, giữa một luồng ánh sáng rực trời tỏa ngay vào chỗ nhà mẫu hậu ở.Người thức giả cho là điềm tốt. Đến lúc sinh thì được một trai, ánh sáng tỏa rực khắp nhà, đấy chính là Hiển tông Hiếu Minh Hoàng đế” .

Chúa Nguyễn Phúc Chu là người có tư chất thông minh từ thuở nhỏ với tài kiêm văn võ. Năm 17 tuổi,  được tôn lên làm Tiết Chế Thủy Bộ Chư Dinh kiêm Tổng Nội Ngoại Bình Chương Quân Quốc Trọng Sự Thái Bảo Tộ Quận Công.  Lên nối nghiệp chúa, ông đã  áp dụng nhiều chính sách chiêu hiền đãi sĩ, cầu lời hay ,nạp lời can gián, bỏ xa hoa, ít chi phí, nhẹ thuế má giao dịch, bớt việc hình ngục, trăm họ không ai là không vui mừng .Chúa   là người hâm mộ đạo Phật và có đạo hiệu là Thiên Túng Đạo Nhân. Năm Quý Dậu (1683),sau khi việc quốc miếu đã xong, đình thần tổ chức lễ mừng và tấn tôn chúa làm Thái phó Quốc Công và dâng tôn hiệu Quốc Chúa. Từ đó , các sắc lệnh đều ghi là Quốc Chúa.Trong thời gian trị vì,  chúa cho  mời nhà sư Thích Đại Sáng từ Trung Hoa sang để chấn chỉnh Đạo Phật ở Đằng Trong , khi về nước nhà sư có viết sách Hải Ngoại Ký Sự hết lời ca ngợi chúa.

Ở Đằng Trong thời bấy giờ, khuynh hướng “bế quan tỏa cảng” có từ đời các chúa trước vẫn còn được duy trì. Riêng  chúa Nguyễn Phúc Chu là một người có tầm nhìn rộng. Trong thời gian chúa cai trị, rất nhiều thương thuyền Tây phương ra vào buôn bán, trao dổi hàng hóa thường xuyên. Chúa lại biết lợi dụng người Tây Âu để huấn luyện binh pháp và kỹ thuật quân đội: dùng Jean de Arnedo để mở rộng về khoa học và kỹ thuật. Dùng người về thần phục như Hoàng Tiến, Dương Ngạn Địch, Mạc Cửu để khai khẩn đất hoang. Sử dụng các tướng tài như Nguyễn Hữu Cảnh, Trần Đình Ân trong các cuộc mở mang bờ cõi.Ngoài ra dưới thời chúa, quân đội cũng đã được tổ chức thành một lực lượng hùng mạnh nhờ thường xuyên thao luyện .Chúa cũng cải cách cơ chế tổ chức trung ương; định lại quan tước, phẩm hàm. Chúa quan tâm đến việc đào tạo nhân tài và tổ chức thi cử. Sách Đại Nam thực lục chép:” Năm Quý Mão (1723) ,tháng tư, thi Nhiêu học. Quan giám khảo lấy trúng cách 77 người, dư luận học trò bàn tán rất sôi nổi. Chúa ra lệnh mở kỳ thi khảo hạch lại và không một sĩ tử nào được chấm đổ cả  “.Đặc biệt chúa đã đặt ra kỳ thi Văn chức và thi Tam ty để thường xuyên kiểm tra khả năng của các quan lại đang tại chức.

Nhưng quan trọng hơn cả là chúa đã  thực hiện được việc   mở rộng bờ cõi; bảo vệ tổ quốc  và đặt nền móng vững chắc cho cả vùng đất nam Trung Bộ và Nam Bộ xưa:

Năm Nhâm Thân (1692) có tin vua Chiêm là Bà Tranh gây rối làm loạn ở phủ Diên Ninh, chúa cho quân đi bắt, nhân thể đổi nước Chiêm Thành làm trấn Thuận thành, sau đổi thành phủ Bình Thuận.

Năm Đinh Sửu (1697) ,chúa đặt phủ Bình Thuận, lấy đất Phan Lý( Phan rí ), Phan Lang( Phan Rang) làm huyện Yên Phúc và Huyện Hoa Đa.

Năm Mậu Dần (1698), chúa sai Nguyễn Hữu Cảnh vào chia đất Đông Phố thành hai miền; Lấy xứ Lộc Dã ( Đồng Nai) làm huyện Phước Long, lập dinh Trấn Biên ( Biên Hòa), lấy xứ Sài Côn làm huyện Tân Bình, lập dinh Phiên Trấn ( tức Gia Định ). Mỗi dinh đều đặt quan cai trị và quản lý. Lập làng ấp, định thuế khóa.

Năm Nhâm Ngọ (1702) , công ty Ấn Độ của Anh do Allen Catchpole đem 200 quân và 8 chiếc thuyền chiếm đảo Côn Lôn của nước ta. Chúa ra lệnh cho Trấn Phủ dinh Trấn Biên là Trương Phúc Phan tùy liệu đối phó. Mùa đông năm Quý Mùi (1703), Phúc Phan tuyển mộ 15 người Chà và ( dân đảo Java gốc Mã Lai- Nam Dương), sai họ dùng kế trá hàng để len vào đất địch. Quân Anh không lo liệu đề phòng,vì thế nửa đêm nhóm  người Chà Và theo mưu của Trương Phúc Phan nổi lửa đốt trại, đâm chết những tên chỉ huy, bắt được một số thuộc hạ, số khác chạy thoát ra biển trốn , liền bị thủy binh ta truy đuổi tiêu diệt. Sau khi thắng trận ,Phúc Phan ra  Côn Đảo thu hết của cải mang về nộp cho Phủ chúa. Nguyễn Phúc Chu trọng thưởng những người Chà và cùng các  tướng sĩ tham gia trận đánh hết sức hậu.

Năm Mậu Tý( 1708) ,bấy giờ có Mạc Cửu người Quảng Đông không phục nhà Thanh, bỏ chạy sang Chân Lạp, được vua Chân Lạp cho làm chức Ốc Nha (?). Mạc Cửu khai hoang lập được 7 xã ở Hà Tiên. Sau đó, ra Thuận Hóa ( Huế ) dâng thơ lên Quốc Chúa, xin đem đất đó quy thuận nước ta .  Quốc chúa nhận lời và giao cho Mạc Cửu giữ chức Tổng Binh, trấn giữ Hà Tiên. Nước ta mở rộng bờ cõi đến Hà Tiên kể từ năm đó.

Năm Kỷ Sửu (1709) Chúa sai đúc Quốc bảo. Đó là chiếc ấn khắc chữ” ĐẠI VIỆT NGUYỄN CHÚA VĨNH TRẤN CHI BẢO “. Chiếc ấn này đã được lưu truyền cho đến các vua nhà Nguyễn sau này,

 

       Quốc Chúa mất vào thánh 4 năm Ất Tỵ(1725), ở ngôi 34 năm. Chí hướng của chúa được  thể  hiện trên một bài ‘minh’ do chúa viết trên chiếc chuông đồng tại chùa Thiên Mụ (Huế) đúc năm 1710 :

           ” Duy nguyện phong điều vũ thuận, quốc thái dân an, pháp giới chúng sinh đồng viên chủng trí

           ( Nguyện cầu gió hòa mưa thuận, nước thịnh dân an, chúng sinh trong pháp giới đều được vẹn toàn trí tuệ ).

       Với 34 năm cầm quyền, chúa Nguyễn Phúc Chu đã đóng góp được nhiều công lao vào việc mở mang đất nước ;cũng như thực hiện nhiều tiến bộ về xã hội ở Đằng Trong  vào đầu thế kỷ XVIII.

 Ngài là vị chúa thứ 6 và là Hệ tổ của hệ 7 của Nguyễn Phước Tộc….

Make a Free Website with Yola.